Bệnh sốt vàng da

VIAM – Sốt vàng da là một bệnh giống như bệnh cúm, nhưng có mức độ nghiêm trọng hơn, có thể gây chết người và được lan truyền bởi muỗi. Sốt vàng da được đặc trưng bởi sốt cao và vàng da (vàng da, vàng mắt).

Đây là bệnh thường gặp ở một số vùng ở châu Phi và Nam Mỹ. Bệnh này không chữa khỏi được nhưng bạn có thể dự phòng bằng việc tiêm vacxin.

TRIỆU CHỨNG CỦA SỐT VÀNG DA

Sốt vàng da phát triển rất nhanh, với những triệu chứng sẽ xuất hiện sau 3-6 ngày sau khi phơi nhiễm. Triệu chứng khởi phát của nhiễm trùng khá giống với triệu chứng của nhiễm virus cúm, bao gồm:
– Đau đầu
– Đau cơ
– Đau khớp
– Ớn lạnh
– Sốt

GIAI ĐOẠN CẤP TÍNH

Thời kỳ này có thể kéo dài từ 3-4 ngày. Những triệu chứng phổ biến bao gồm:
– Đau đầu
– Đau cơ
– Đau khớp
– Sốt
– Mất vị giác
– Đau lưng
– Rùng mình
Sau khi giai đoạn cấp tính kết thúc, triệu chứng sẽ bắt đầu biến mất. Rất nhiều người sẽ hồi phục ở giai đoạn này, tuy nhiên, một vài người sẽ phát triển những triệu chứng khác.
Giai đoạn nhiễm độc


Triệu chứng bạn gặp trong giai đoạn cấp tính có thể sẽ biến mất trong 24 giờ. Sau đó, những triệu chứng này sẽ trở lại, cùng với những triệu chứng mới và nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng này bao gồm:
– Giảm lượng nước tiểu
– Đau bụng
– Nôn mửa (đôi khi nôn ra máu)
– Các vấn đề về nhịp tim
– Co giật
– Mê sảng
– Chảy máu mũi, miệng và mắt
Giai đoạn này thường nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chỉ có 15% bệnh nhân sốt vàng da phát triển đến giai đoạn này.

NGUYÊN NHÂN CỦA SỐT VÀNG DA

Virus gây sốt vàng da tên là Flavivirus, được lan truyền qua muỗi. Muỗi nhiễm virus sẽ đốt người hoặc khỉ, sau đó người hoặc khỉ cũng sẽ nhiễm bệnh. Bệnh không thể lây truyền từ người này sang người khác.
Muỗi thường sinh sản ở các khu rừng mưa nhiệt đới, môi trường ẩm ướt hoặc bán ẩm mướt, cũng như xung quanh khu vực nước tĩnh. Việc tiếp xúc nhiều giữa người và muỗi nhiễm virus, đặc biệt là ở những nơi người dân chưa được tiêm vacxin sốt vàng, có thể sẽ tạo ra một đợt dịch nhỏ.


AI CÓ NGUY CƠ BỊ SỐT VÀNG?

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là những người chưa được tiêm vacxin phòng sốt vàng và những người sống trong vùng có nhiều muỗi nhiễm virus. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 200.000 người bị nhiễm virus sốt vàng mỗi năm. Đa số các trường hợp thường xảy ra ở 32 quốc gia tại châu Phi, bao gồm Rwanda và Sierra Leone, và 13 quốc gia Mỹ Latinh bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Đây cũng là những quốc gia có tỷ lệ mắc virus Zika khá cao.
Sốt vàng được chẩn đoán như thế nào?
Đến gặp bác sỹ ngay nếu gần đây bạn đi du lịch và có những triệu chứng giống như bị cúm. Bác sỹ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn đã có và hỏi xem bạn có đi du lịch gần đây hay không. Nếu bác sỹ nghi ngờ bạn bị sốt vàng da, bạn sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm máu.
Mẫu máu của bạn sẽ được phân tích để xem có virus hoặc kháng thể chống virus hay không.
Sốt vàng điều trị như thế nào?
Hiện nay, chưa có cách chữa khỏi bệnh sốt vàng. Điều trị bao gồm việc kiểm soát triệu chứng và tăng cường hệ miễn dịch để chống lại virus bằng cách:
– Uống đủ nước, kể cả việc truyền nước
– Thở ôxy
– Duy trì huyết áp bình thường
– Truyền máu
– Chạy thận nếu bạn bị suy thận
– Điều trị các tình trạng nhiễm trùng khác có thể phát triển
Tổ chức Y tế Thế giới thống kê rằng có khoảng 50% số người phát triển những triệu chứng năng của sốt vàng sẽ tử vong. Người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương có thể có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng nhất.

DỰ PHÒNG SỐT VÀNG

Tiêm vacxin là cách duy nhất để dự phòng sốt vàng. Vacxin sốt vàng chỉ cần tiêm một liều duy nhất. Vacxin bao gồm virus sống đã làm suy yếu để giúp cơ thể tạo ra miễn dịch. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng, những người trong độ tuổi từ 9 tháng đến 59 tuổi đi du lịch hoặc đang sống trong vùng có nguy cơ sốt vàng nên được tiêm vacxin.


Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch nước ngoài, hãy lên website của CDC để kiểm tra xem bạn có cần phải tiêm loại vacxin nào hay không.
Nhóm đối tượng không nên tiêm vacxin bao gồm:
Người bị dị ứng nặng với trứng, protein thịt gà hoặc gelatin.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi
Người nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh khác có hệ miễn dịch suy yếu
Nếu bạn trên 60 tuổi và có ý định đi du lịch đến vùng có thể có virus, bạn nên trao đổi về việc tiêm vacxin với bác sỹ.
Nếu bạn đi du lịch với trẻ sơ sinh từ 6-8 tháng, nên hoãn chuyến du lịch, nếu được hoặc nếu không, nên trao đổi với bác sỹ về việc tiêm vacxin cho trẻ.
Vacxin sốt vàng được coi là rất an toàn. Một liều duy nhất có thể bảo vệ bạn ít nhất trong 10 năm. Tác dụng không mong muốn của vacxin bao gồm:
– Đau đầu nhẹ
– Đau cơ
– Mệt mỏi
– Sốt nhẹ
Các biện pháp dự phòng khác bao gồm bôi thuốc chống côn trùng, mặc quần áo dài để giảm vùng bị bị muỗi đốt và ở trong nhà trong thời gian cao điểm của dịch.

 

Bài viết cùng danh mục: